Đi khám ngay khi có những dấu hiệu mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục dưới đây
Phần lớn các bệnh lây truyền qua đường tình dục ban đầu không có biểu hiện nổi bật, rõ ràng, do vậy có nhiều người không biết mình đã mắc bệnh nên không đi khám và điều trị sớm dẫn đến bệnh nặng gây khó khăn cho việc điều trị.
1. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm thế nào?
Các bệnh lây qua đường tình dục là tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh tật được truyền từ người này sang người kia do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các con đường lây truyền qua đường tình dục bao gồm: QHTD qua đường âm đạo, đường miệng hoặc đường hậu môn mà không có biện pháp phòng ngừa. Ngoài lây truyên qua đường QHTD thì còn có là mẹ lây truyền cho con khi đang mang thai, cho con bú hoặc thông qua việc dùng chung dụng cụ tiêm vào cơ thể.
Các bệnh dễ dàng gây bệnh lây truyền qua đường tình dục rất đa dạng và dễ lây, bao gồm:
· Vi khuẩn: gây bệnh lậu, giang mai, hạ cam, liên cầu B, lỵ trực trùng…
· Virus: gây bệnh viêm gan B, viêm gan C, HIV, herper, sùi mào gà…
· Liên thể vi khuẩn và virus: gây bệnh Chlammydia, ureaplasma...
· Ký sinh trùng: gây bệnh trùng roi, rận mu, nấm men….
Hầu hết các bệnh lây truyền qua đường tình dục khi gây bệnh trong cơ thể đều kết hợp để làm cơ thể chúng ta trở nên yếu hơn và làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV lên hàng chục, hàng trăm lần so với người bình thường.
Hoặc khi đã mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà lại bị nhiễm HIV thì bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ thúc đẩy HIV phát triển rất nhanh chóng và tăng tốc độ chuyển sang giai đoạn AIDS.
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây tử vong như HIV, một số bệnh có thể gây vô sinh... Ví dụ như mắc lậu hoặc giang mai, nếu không biết mình bị mắc bệnh hoặc ngại đi khám hoặc điều trị không đúng nơi sẽ có thể làm cho người bệnh bị vô sinh
Một số bệnh như mụn rộp, sùi mào gà, giang mai... có thể gây sẩy thai, ung thư tử cung, truyền bệnh từ mẹ sang con..., khi người con mắc bệnh thì miễn dịch cũng kém dễ lây truyền các bệnh thông thường khác.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh lây truyền qua bệnh tình dục cần đi khám
Có một số bệnh chỉ cho thấy dấu hiệu sau khi đã ủ bệnh được hàng tuần, hàng tháng. Ví dụ như bệnh do Chlamydia có tới 70% trường hợp không có triệu chứng hoặc người nhiễm virut viêm gan B, C hoặc nhiễm HIV, thường không thấy bất kỳ dấu hiệu gì của bệnh này trong một thời gian dài sau khi bị lây nhiễm. Khi làm xét nghiệm máu mới phát hiện ra bệnh.
Tuy nhiên, nếu bạn đã quan hệ tình dục với một người mà bạn không chắc chắn về sức khoẻ của họ, hoặc sau khi có quan hệ tình dục không an toàn mà cơ quan sinh dục của bạn có những biểu hiện bất thường, bạn nên nghĩ tới khả năng là mình mắc bệnh. Khi đó bỏ qua sự ngại ngùng để đi khám và phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
Một số triệu chứng đặc trưng thường gặp của một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể bao gồm:
- Có dịch tiết bất thường chảy ra từ âm đạo hoặc đầu dương vật.
- Hậu môn hoặc cơ quan sinh dục bị ngứa, đau, đỏ, rát hoặc có các nốt, các vết loét không bình thường. Các tổn thương này có thể gây đau hoặc không đau.
- Tiểu đau, buốt, rắt hoặc đau rát, hoặc tiểu nhiều hơn bình thường.
- Đau bất thường ở vùng bụng dưới mà không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Trên da có nhiều mụn cóc, hoặc các mụn phỏng rộp đau, chảy nước, hoặc có lốm đốm đỏ, hay các u nhọt quanh miệng hoặc cơ quan sinh dục hoặc nổi hạch ở vùng bẹn tái đi tái lại nhiều lần…
- Đau nhiều khi QHTD hoặc chảy máu sau quan hệ tình dục.
3. Nếu nghi ngờ có bệnh lây truyền qua đường tình dục thì người bệnh cần làm gì?
Khi thấy có một trong những biểu hiện trên người bệnh cần đến ngay những cơ sở y tế chuyên khoa bệnh lây truyền qua đường tình dục để được khám và làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị đúng.
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có triệu chứng gần giống nhau, người bệnh không thể tự phân biệt được mà cần được khám, xét nghiệm và được chỉ định biện pháp điều trị bởi các bác sĩ từ đó đưa ra đúng phác đồ điều trị mà không làm nhầm lẫn thuốc. Vì vậy người bệnh không được tự ý dùng thuốc, vì nếu dùng thuốc không đúng, bệnh có thể trở nên nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị.
Khi đã khám và được chẩn đoán mắc bệnh, cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian, không bỏ thuốc khi thấy đỡ triệu chứng, tái khám đúng hẹn. Khi dùng hết thuốc nên đi khám lại để được biết bệnh đã khỏi hay cần điều trị tiếp cũng như được hướng dẫn để phòng chống tái phát bệnh và nhiễm các bệnh khác
Cần đi khám và điều trị sớm nếu nghi ngờ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Nguồn: Tổng hợp nhiều nguồn
BS Lê Thị Hương Giang